Lượt xem: 4630

Tìm hiểu thêm về lịch sử vùng đất Phương Nam

Lịch sử vùng đất phương Nam, trong đó có 13 tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, là vùng đất được nhiều nhà khoa học nghiên cứu có hệ thống, làm sáng tỏ nhiều nội dung về quá trình hình thành, khai phá, cải tạo, xây dựng và bảo vệ cho sự phát triển vùng đất mới này. Có khá nhiều tác phẩm nghiên cứu từ hàng trăm năm nay, có giá trị lịch sử cao. Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, một số nhà khoa học người Pháp cũng đã nghiên cứu và viết những quyển địa chí một số tỉnh phía Nam. Tất cả khẳng định về mặt pháp lý vùng đất phương Nam thuộc về sự quản lý, là địa phận hành chánh dưới triều Nguyễn. Mốc thời gian chính thức được ghi nhận vào tháng 2 năm Mậu Dần 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lược vùng đất Đồng Nai dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Định), chính thức sáp nhập lãnh thổ này vào vùng đất thuộc quyền cai quản của Đàng Trong (chúa Nguyễn). Dần dần vùng đất phía Nam được khai phá, mở mang và phát triển thêm, trở thành vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc.

 


Khu Di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, tỉnh An Giang. Nguồn baochinhphu.vn

 

    Ngược về quá khứ, hàng ngàn năm trước, vùng đất phía Nam là một phần của lãnh thổ Vương quốc Phù Nam, tồn tại từ năm 68 (thế kỷ thứ I) đến sau năm 627 (thế kỷ thứ VII). Những di chỉ khảo cổ tìm thấy được ở An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Bạc Liêu... đã minh chứng rõ sự hiện diện của Vương quốc này, nhất là di chỉ Óc Eo thuộc địa bàn tỉnh An Giang hiện nay. Sự sụp đổ của Vương quốc Phù Nam, mở ra sự thống trị của vương quốc mới: Vương quốc Chân Lạp (từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVI). Lịch sử đã ghi lại rõ và thừa nhận về sự tồn tại phát triển và suy vong của Vương quốc Chân Lạp. Sau này, các văn bản pháp lý quốc tế, cũng như các văn bản ký kết giữa hai nước Việt Nam và Campuchia đều khẳng định về ranh giới quốc gia giữa hai nước. Văn kiện quan trọng là Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, ký kết ngày 18/2/1979 và nhiều Hiệp ước khác về biên giới được ký kết sau này. Đó là thực tế khách quan của lịch sử.

    Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, không phải ai cũng hiểu rõ về nguồn gốc lịch sử của vùng đất phương Nam xưa kia gồm cả khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ hiện nay, nhất là trong nhân dân, những người ít có điều kiện tiếp cận với các tư liệu nghiên cứu khoa học mang tính lịch sử khách quan. Vì vậy, đó là kẽ hở để các thế lực thù địch tìm cách tuyên truyền xuyên tạc về lịch sử vùng đất phương Nam. Vấn đề dân tộc, trong đó có dân tộc Khmer Nam bộ, trở thành bộ phận quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Một bộ phận nhân dân chưa có điều kiện tiếp cận những tài liệu chính thống mang tính khoa học về lịch sử vùng đất, nên dễ dàng bị lôi kéo theo chiêu bài xuyên tạc lịch sử vùng đất phương Nam, kích động gây chia rẽ dân tộc Khmer Nam bộ với cộng đồng các dân tộc trong Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Từ sau ngày giải phóng đến nay, đã có không ít công trình nghiên cứu về lịch sử vùng đất này. Đặc biệt là quyển tư liệu chính thống được phát hành với tên gọi Lược sử vùng đất Nam bộ Việt Nam do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thực hiện. Tuy chỉ có 70 trang nội dung chính và 63 trang phụ lục, nhưng đây là tài liệu chính thống khoa học, có nhiều cứ liệu chính xác, phục vụ cho công tác nghiên cứu và công tác truyền thông đại chúng. Ngoài ra, còn có một số tác phẩm khác nghiên cứu về vùng đất Nam bộ xưa trước và sau năm 1975 . Đây là những tác phẩm có giá trị khoa học cao, góp phần làm làm sáng tỏ lịch sử vùng đất Nam bộ, phá sản các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu về nguồn gốc lịch sử của vùng đất này.

    Tuy nhiên, chúng ta không thể hài lòng về những việc làm đã qua, mà cần phải nỗ lực nhiều hơn để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, phải nỗ lực nhiều hơn trong công tác phổ biến những nội dung khoa học liên quan đến nguồn gốc lịch sử của vùng đất phía Nam, tăng cường công tác khảo cổ, phát hiện các di tích còn để lại ở từng địa phương trong vùng đất Nam Bộ. Từ đó, góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử, không còn chỗ để các thế lực, bọn xấu có thể lợi dụng để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại cuộc sống an bình của nhân dân. Từ đó, giúp cộng đồng các dân tộc, nhất là đồng bào Nam bộ khẳng định vị thế, trách nhiệm, tăng cường đoàn kết, lao động sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.

    Trước hết, các sách giáo khoa của ngành giáo dục cần bổ sung và làm rõ hơn về lịch sử hình thành, khai thác và phát triển vùng đất phương Nam. Lịch sử địa phương của từng tỉnh ở Nam bộ cần dành số trang tương thích để nói về nội dung này trên cơ sở khách quan của lịch sử. Các trường chính trị khi nói về lịch sử Đảng cũng cần dành số trang tương đối để phản ánh tốt về lịch sử vùng đất phương Nam. Từ đó, tạo nhận thức rõ ràng, chính thống về lịch sử vùng đất này và mọi người đều có trách nhiệm đoàn kết, giữ gìn, phát triển, bảo vệ sự thống nhất toàn vẹn của vùng đất này trong lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Thứ hai, cần tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong xã hội bằng cách phổ biến có hiệu quả các tài liệu khách quan, khoa học về nguồn gốc lịch sử của vùng đất Nam bộ, tránh tình trạng mơ hồ, bàng quan, nhận thức một chiều, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Thông qua kênh hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cần tổ chức phổ biến tuyên truyền trong các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội, quần chúng nhân dân,... giúp cho mọi người nhận rõ và trở thành tuyên truyền viên tốt, giúp cho cộng đồng các dân tộc ở Nam bộ đồng thuận, nhất trí cao về lịch sử vùng đất này. Báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng có thể tham gia tuyên truyền phổ biến theo từng thời điểm thích hợp.

    Từng đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội phải là những người đi đầu, hiểu rõ hơn ai hết về vùng đất lịch sử này. Phải thấy rằng, trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đã góp phần tạo sự ổn định tư tưởng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu trên cơ sở khoa học và luật pháp quốc tế về lịch sử vùng đất Nam bộ, nên hầu hết người dân Khmer Nam bộ đều nhận thức rõ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đối với việc tăng cường khối đại đoàn kết các dân tôc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm trong vùng đất Nam bộ. Chúng ta cũng cần hiểu rõ và nhìn nhận về sự việc xảy ra trên biển Đông, về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa để có định hướng tốt cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, học tập thông suốt về lịch sử nguồn gốc vùng đất Nam bộ và biển Đông.

    Thứ ba, là cần tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở khoa học, làm rõ thêm một số vấn đề, hiện vật, sự kiện, lịch sử còn tồn tại đến nay. Có khá nhiều tài liệu đề cập về vùng đất Nam bộ xưa đến thế kỷ XV, XVI chưa được khai phá bao nhiêu, còn nhiều thú rừng như: Cọp, trâu rừng, heo rừng, nai, khỉ... Nhưng trong ghi chép theo lời kể được truyền lại từ lâu cho biết một số chùa Khmer Nam bộ đã xuất hiện ở thế kỷ XIII, XV, XVI . Ngoài ra, có một số truyền thuyết về công chúa Mỹ Thanh, mộ Hoàng Cô hay chùa Ba Thắc ở Sóc Trăng... cần được nghiên cứu sâu rộng hơn. Từ lâu, có dư luận cho rằng công chúa Mỹ Thanh có nguồn gốc từ trong triều đình phong kiến nhà Nguyễn hoặc của nước Lào xưa hay Chùa Ba Thắc (Bãi Xàu) là chùa thờ một vị Hoàng tử Vương quốc Lào...

    Ngoài ra, tên gọi các vùng đất cũng cần được nghiên cứu sáng tỏ thêm trên cơ sở khách quan khoa học. Các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, phong tục tập quán của các dân tộc của vùng vùng đất này cũng cần được tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn về lịch sử, vùng đất này trên cơ sở khoa học và khách quan. Mặt khác, các cuộc khởi nghĩa ở từng vùng liên quan đến nhân vật lịch sử, các di tích lịch sử cần được tiếp tục khảo cứu, hệ thống cũng như làm rõ thêm các hoạt động  cách mạng tiền khởi nghĩa và 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc từ sau ngày 30/4/1975 đến nay của cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để minh chứng rõ ràng sự gắn kết bền vững của các dân tộc ở Nam bộ.

    Thứ tư, cần phát hiện, tiếp cận, xử lý ngay những hiện tượng và hành động xuyên tạc về vùng đất Nam bộ, phá rối khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch và nhóm cơ hội, thiếu trách nhiệm với lịch sử và dân tộc. Cần chủ động phòng, chống, tránh để xảy ra điểm nóng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo kích động dưới mọi hình thức. Từ đó, góp phần tạo sự ổn định chính trị, xã hội, giúp mọi người an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

    Thứ năm, là tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc, tôn giáo nói chung và tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Nên tiếp tục làm sáng tỏ hiệu quả những chính sách này trong thời gian qua. Từ lâu, Đảng và Nhà nước Việt Nam có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này, công tác triển khai đạt nhiều hiệu quả tích cực. Phải khẳng định rằng, gần 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Nam bộ đã được cải thiện rõ nét. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; các công trình văn hóa xã hội, điện, đường, trường trạm, đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được chất lượng khá tốt. Đời sống được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng giảm. Những kết quả này đã góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó, chung lưng đấu cật, cộng đồng trách nhiệm các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

    Hiện nay, tình hình chung về công tác dân tộc Nam bộ là ổn định. Nhiều năm qua, lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Campuchia đã tích cực vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống từ lâu giữa 2 nước và ngày càng tăng cường mối quan hệ này. Đặc biệt là 2 nước đã hoàn thành cơ bản cắm mốc biên giới trên bộ theo Hiệp ước quy định biên giới trên bộ giữa 2 nước, ký vào các năm 1985, 2005 và 2019.

    Tuy nhiên, chúng ta cần sự cảnh giác thường xuyên, tránh bị kẻ thù lợi dụng, xuyên tạc về lịch sử vùng đất Nam bộ, trong đó có Sóc Trăng. Các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số Nam bộ cần được triển khai thường xuyên, vận dụng nhanh chóng kịp thời, phù hợp vào cuộc sống. Cán bộ Đảng, Nhà nước cần đi tiên phong trong thực hiện chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nói chung quan tâm tạo điều kiện để mọi người cùng hiểu rõ hơn lịch sử nguồn gốc vùng đất Nam bộ. Từ đó, cùng có trách nhiệm vun đắp tình đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển./.

Trịnh Công Lý



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 45
  • Hôm nay: 6647
  • Trong tuần: 77,354
  • Tất cả: 11,800,674